Mới ra trường, dù chưa có kinh nghiệm, nhưng với những kiến thức nền tảng, cùng vô vàn cơ hội rộng mở với mức lương xứng đáng và sự thoải mái về mặt thời gian, những sinh viên mới ra trường sẽ không có một lý do nào mà không thể tìm kiếm được một công việc. Những người mới tốt nghiệp và đang có nhu cầu tìm việc cần lưu ý những điểm sau:
1. Kinh nghiệm có liên quan
Nhiều nhà tuyển dụng nói rằng khả năng và kinh nghiệm của các ứng viên có liên quan đến công việc là yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định tuyển dụng của họ. Hầu hết các nhà tuyển dụng xem những kinh nghiệm mà các sinh viên có được qua các hoạt động tình nguyện, các buổi thực hành ở trường và qua những việc làm part – time như là những kinh nghiệm liên quan rất có giá trị.
Thực tập tại các công ty trong thời gian vẫn ngồi ở ghế nhà trường (năm thứ 3, 4) cũng là một lựa chọn sáng suốt dành cho các bạn sinh viên. Để ra trường có cơ hội tìm được một việc làm tốt, thì ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, bạn hãy dành khoảng thời gian nhàn rỗi để xin vào thực tập tại một doanh nghiệp nào đó đúng với chuyên ngành mình đang học. Việc thực tập nên được coi là một môn học bắt buộc và rất rất quan trọng với tương lai của bạn. Đi thực tập là đi học việc, học kinh nghiệm thực tế, do vậy bạn đừng nên đòi hỏi mức lương (vì để có được kinh nghiệm làm việc thực tế nhiều lĩnh vực học viên phải đóng một khoản tiền lớn, trong khi đó học vẫn phải làm việc không lương cho người thầy trong một khoảng thời gian có thể là 6 tháng hoặc một vài năm – Bạn có thể tham khảo trong ngành nghề đòi không đòi hỏi bằng cấp như nghề làm tóc…), vậy nên nếu được một doanh nghiệp chấp nhận thực tập không hưởng lương (và bạn cũng không phải đóng học phí) thì đó là một cơ hội tốt mà bạn cần nắm giữ.
Tuy nhiên, bạn lựa chọn doanh nghiệp nào để thực tập? Doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ? Thực tế phần đông các bạn sinh viên đều muốn thực tập ở công ty lớn, vì họ nghĩ rằng vào đó thực tập thì hoành tráng, được giao công việc thực tế với chuyên môn để làm, và sau khi ra trường dễ xin việc. Thực tế lại không phải vậy, công ty lớn hầu hết đã cơ cấu đủ nhân sự, và họ là những nhân sự có kỹ năng thực tế đảm bảo hoàn thành các công việc mà công ty giao. Khi bạn vào thực tập tại công ty họ – bạn chưa có kinh nghiệm – do vậy bạn chỉ làm vướng chân, và ảnh hưởng đến công việc của họ thôi. Và đương nhiên bạn chỉ được giao các công việc lặt vặt như chân lon ton, pha trà, rửa chén… Sau khi tốt nghiệp, đi xin việc, nhà tuyển dụng không đánh giá cao bạn, vì họ biết bạn chẳng có kinh nghiệm gì.
Giải pháp lúc thực tập bạn nên chọn là thực tập ở các công ty nhỏ, vì các công ty nhỏ về cơ bản điều kiện về mọi mặt còn hạn chế, do vậy họ phải tiết kiệm tối đa chi phí. Do vậy, nếu được thực tập ở các công ty đó, bạn yên tâm sẽ được giao những công việc chính và phù hợp với chuyên môn của bạn. Một cơ hội tốt để bạn rèn luyện kỹ năng thực tế. Tuy nhiên, bạn nên chọn công ty nào mà người quản lý giỏi chuyên môn và họ sẵn sàng đào tạo cho bạn. Nên tìm một người thầy tốt cho chính bạn.
Mặc dù những điều trên rất hữu ích và có lợi cho sinh viên, tuy nhiên, rất nhiều sinh viên mới ra trường lại không quan tâm đến điều đó.
2. Phù hợp với môi trường văn hoá của công ty
Trên hồ sơ, bạn có thể là một ứng viên sáng giá nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã phù hợp với vị trí công việc này. Thực tế số nhà tuyển dụng cho rằng điểm mà họ muốn nhìn nhận nhiều nhất ở một ứng viên đó là khả năng phù hợp và thích nghi với môi trường văn hoá của công ty. Vì vậy, khi đi phỏng vấn, bạn thường gặp câu hỏi “Tại sao anh (chị) lại cảm thấy mình phù hợp với công việc này?” Nếu bạn nghĩ rằng câu hỏi đó thật ngớ ngẩn mà phớt lờ nó đi thì quả là sai lầm. Nhớ rằng, nhà tuyển dụng thường dò hỏi và đánh giá khả năng nổi trội của bạn qua một số câu hỏi tưởng như không quan trọng và không có gì liên quan đến công việc của bạn như kiểu “Quyển sách bạn đọc gần đây nhất tên là gì?”
3. Kiến thức nền
Một số không nhỏ các nhà tuyển dụng nhấn mạnh đến kiến thức nền tảng mà các sinh viên tích luỹ được trong quá trình đào tạo ở trường đại học, từ các cơ quan, tổ chức họ đã từng tham gia, các chứng chỉ, bằng cấp đã nhận… và tất nhiên chúng phải liên quan đến vị trí mà ứng viên xin tuyển.
4. Kỹ năng mềm
Hầu hết các nhà tuyển dụng rất mong muốn ứng viên hội tụ đầy đủ những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc đặc thù tại doanh nghiệp họ. Tuy nhiên, rất nhiều ứng viên thiếu, hoặc còn yếu ở một vài kỹ năng. Vậy thì luyện tập, mãi rũa những kiến thức đó ở đâu?
Rất đơn giản, trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, thay vì đi chơi những lúc rảnh rỗi, bạn hãy bố trí thời giam tham gia các hoạt động cộng đồng như: Câu lạc bộ marketing, nhân sự, bán hàng, câu lạc bộ tiếng Anh…và ở đó hãy chớp cơ hôi để được làm team leader, MC, người quản trò… cố gắng tham gia nhiệt tình, qua các hoạt động đó kỹ năng mềm của bạn được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các công việc part time khác như: phục vụ trong một quán bia, quán trà, cafe…đặc biệt là ở những nơi quy tụ đầy đủ các thành phần người. Bạn chỉ cần làm ở đó trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng, và trong khoảng thời gian đó hãy luôn định hình trong đầu là cần phải điều chỉnh hành vi, lời nói, suy nghĩ đặc biệt là kiềm chế cảm xúc để bạn dần điều chỉnh con người bạn theo hướng tích cực. Tôi tin rằng sau khoảng thời gian làm việc đó bạn sẽ trưởng thành lên rất nhiều.
Và kết thúc kỳ học tập thực tế đó, bạn sẽ làm CV của mình thêm hoàn chỉnh hơn. Hãy thực hành nó, đừng ngại, đừng xấu hổ.
5. Tham vọng và lòng nhiệt tình
Tham vọng tìm kiếm một công việc luôn là một trong những yếu tố hàng đầu mà nhà tuyển dụng mong muốn ở các ứng viên. Bởi theo họ, chính những tham vọng nghề nghiệp là lý do quan trọng để nhân viên của họ trở thành một người cống hiến hết mình cho công việc. Vì vậy, khi đi phỏng vấn, nếu được hỏi “Tại sao bạn lại muốn làm việc ở công ty chúng tôi?” thì trong câu trả lời, bạn nên chú trọng vào những điểm mạnh của công ty và những thách thức ở vị trí đó chứ không nên tỏ thái độ “được thì được mà không được thì thôi” đối với công việc này.
6. Sự chuẩn bị
Nhiều nhà tuyển dụng nói rằng họ sẽ đánh giá cao những người đặt ra các câu hỏi cho họ hoặc đem đến những thông tin, đưa ra những ý tưởng để đóng góp cho sự thành công của công ty. Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ các thông tin và chuẩn bị chu đáo trước khi đi phỏng vấn.
Xem mô tả chi tiết tại đây: https://hoangquocuy.com/minh-la-uy/
Họ và tên của bạn*
E-mail*
Website
× 9 =
Nội dung lời bình:*