Bạn đang là quản lý trong doanh nghiệp hay đang là CEO, giám đốc, tổng giám đốc? Bạn đã từng đọc tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa – một tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc – Một tác phẩm để đời với nhiều phương pháp quản trị khác nhau và vẫn có giá trị tới hiện tại? Có lẽ Bạn cũng chưa biết rằng nguồn cảm hứng và những bài học quý báu lại đến từ một tác phẩm văn học cổ điển này. Qua từng trang sách, chúng ta có thể rút ra những bài học quản trị vô cùng hữu ích và áp dụng vào thực tiễn kinh doanh ngày nay. Hãy cùng tôi khám phá 10 bài học quản trị kinh điển từ “Tam Quốc Diễn Nghĩa” nhé!
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Gia Cát Lượng nổi tiếng là một quân sư tài ba, biết cách tận dụng tài năng của từng người. Quan Vũ, Trương Phi là những võ tướng giỏi, được giao nhiệm vụ chiến đấu, trong khi Triệu Vân lại được chọn làm người bảo vệ. Trước khi Gia Cát Lượng chưa đầu quân cho Lưu Bị – Chủ tướng của Quân Thục thì Lưu Bị đánh trận nào, thua trận đó. Nhưng kể từ khi có Gia Cát Lượng, hầu hết các trận chiến do ông bầy mưu tính kế và sử dụng nhân sự phù hợp với sở trường của họ thì hầu như đánh trận nào, thắng trận đó. Đặc biệt khi đối đầu với Chủ tướng Tào Tháo của Quân Ngụy, Tào Tháo được biết đến là một viên chủ tướng văn, võ song toàn, đánh đâu thắng đó. Nhưng kể từ khi Gia Cát Lượng đầu quân cho Lưu Bị thì Tào Tháo bị đánh cho te tua hoặc không thể đạt được mục tiêu mà mình đưa ra. Tiêu biểu là trận chiến tại Xích Bích, Tào Tháo đại bại dưới mưu kế của Gia Cát Lượng, toàn quân của Tào Tháo bị tiêu diệt gần hết. Sau trận này, nguyên khí của quân Ngụy bị hao tổn nặng nề, phải hơn 5 năm sau mới khôi phục được.
Tuy nhiên, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Gia Cát Lượng lại chưa đào tạo được đội ngũ kế cận bao gồm cả quan văn, quan võ và vẫn có những lúc sử dụng sai người. Gia Cát Lượng có 2 người học trò là Mã Tắc và Khương Duy. Việc đào tạo Mã Tắc chỉ trên phương diện lý thuyết mà chưa cho vào thực chiến nên ở giây phút sinh tử khi đối đầu với Quân Ngụy do Tư Mã Ý cầm đầu, nên Mã Tắc đã làm quân Thục – Quân của Gia Cát Lượng hy sinh, tổn thất rất nhiều. Trong trận chiến này, Mã Tắc đã phải chịu hình phạt tử hình, trường hợp của Mã Tắc có lẽ là một trong những trường hợp mà Gia Cát Lượng sử dụng sai người, cũng bởi thời điểm nguy cấp đó, Quân Thục không còn lựa chọn người nào khác để thực hiện công việc ngăn chặn đà tiến công của quân Ngụy. Người học trò thứ hai của Gia Cát Lượng thì không có thiên chất làm Chủ tướng, nên không thể hiểu hết những kiến thức thâm sâu, uyên bác của Gia Cát Lượng, vì vậy, anh ta không thể đạt được thực tài bằng 1/10 của Thầy Mình.
Có lẽ do chinh chiến liên miên, nên Gia Cát Lượng không có thời gian để thúc đẩy đất nước học tập, luyện võ để từ đó xây dựng nên những nhân tài cho đất nước. Chính vì lẽ đó, sau đời của Gia Cát Lượng, nước Thục dần dần đi xuống và sau này bị dòng họ Tư Mã Ý thôn tính.
Bài học ở đây là: Trong quản trị, chúng ta cần nhận biết và sử dụng đúng tài năng của nhân viên, đặt họ vào đúng vị trí để phát huy tối đa khả năng của họ. Bên cạnh việc tuyển dụng nhân tài từ bên ngoài, thì doanh nghiệp cũng cần phải đào tạo từ chính nguồn lực đang có của mình để cất nhắc nhân sự lên những vị trí cao hơn. Đào tạo nhân sự hiện tại cả về mặt lý thuyết và thực hành thực tế. Cho họ tự thực hành, hành động theo cách của họ để đạt kết quả, KPI do công ty đưa ra. Dậy họ thông qua công việc thực tế, không làm thay cho họ. Có như vậy, Công ty mới vững mạnh và ngày càng phát triển.
Hình tượng nhân vật Gia Cát Lượng trong bộ phim truyền hình Tân Tam Quốc
Tào Tháo là một ví dụ điển hình về sự linh hoạt trong chiến lược. Ông không bao giờ cố chấp vào một kế hoạch duy nhất mà luôn thay đổi chiến lược theo tình hình thực tế. Khi mới khởi nghiệp, Tào Tháo cũng có chút thanh thế khi ám sát hụt Đổng Trác – Nhân vật gây áp lực và soán quyền lực của nhà Hán – Một triều đại tồn tại hơn 400 năm trong lịch sử Trung Quốc. Với tài thao lược của Tào Tháo, từ một đội quân nhỏ, dần dần ông đã xây dựng được một đột quân chính quy với thế mạnh là kỵ binh. Ông biết rằng, tương lai sẽ phải có một trận chiến khốc liệt, quyết định cục diện đất nước, quyết định cục diện của chính mình, nên ông đã phác họa ra một kế hoạch dài hạn trong việc tuyển dụng nhân tài, xây dựng một đội quân hùng mạnh về số lượng và chất lượng và đây cũng chính là kết quả mà ông nhận được sau này khi phải quyết chiến với quân của Viên Thiệu – Một đội quân gấp đến hơn 10 lần so với quân của Tào Tháo.
Tuy nhiên, bằng sự mưu lược, chớp thời cơ rất tốt của Mình, từ một đội quân ít hơn về số lượng nhưng chất hơn về tinh thần chiến đấu, về lý tưởng chiến đấu và được thực chiến trong một thời gian dài mà đội quân của ông đã đánh cho đoàn quân của Viên Thiệu thua tan tác. Lúc về tới thành trì của mình thì Viên Thiệu chỉ còn vỏn vẹn vài trăm quân mà thôi.
Trong marketing, điều này tương đương với việc luôn cập nhật và điều chỉnh chiến dịch dựa trên phản hồi của thị trường và khách hàng. Trong khó khăn cần rèn luyện nhân sự, tập trung vào những nhân sự, bộ phận mang tính chủ chốt để chờ khi thời cơ đến thì chỉ việc bung lụa thôi.
Tào Tháo cũng là một bậc thầy trong việc thu thập thông tin. Ông sử dụng gián điệp để nắm bắt động thái của đối thủ, từ đó định hướng chiến lược phù hợp. Điển hình cho việc sử dụng tình báo của ông là sử dụng cha con Trần Đăng làm người thân cận với Lã Bố – Một võ tướng sức mạnh phi thường thời kỳ Tam Quốc ở Trung Hoa. Khi đó Lã Bố và Lưu Bị liên kết với nhau để chống lại Tào Tháo, Tháo biết rằng nếu đem quân đánh thì Lã Bố và Lưu Bị sẽ phối kết hợp lại thì khó có thể tiêu diệt được họ. Vì vậy, Tào Tháo đã dùng chiêu phản gián, cho cha con Trần Đăng thâm nhập vào hàng ngũ thân cận của Lã Bố, qua đó họ cung cấp thông tin tình báo của cả bên Lã Bố và Lưu Bị cho Tào Tháo, bên cạnh đó, Cha con Trần Đăng cũng tìm mọi cách để gây chia rẻ nội bộ của Lã Bố và mối quan hệ của Lã Bố với Lưu Bị. Cũng chính chiêu này, mà Tào Tháo đã tiêu diệt được Lã Bố, lấy được thành trì có tính chất quan trọng về địa chính trị do Lã Bố và Lưu Bị đóng quân trước đó. Bên cạnh đó cũng bắt ép 3 anh em nhà Lưu Bị phải theo Tào Tháo về Hứa Đô – Kinh đô của Nhà Hán do Tào Tháo xây dựng (Tại thời điểm này, Vua Hán như bù nhìn, là con tốt để Tào Tháo ra các Chiếu thư mang danh vua Hán để điều khiển, ra lệnh cho các Chư Hầu thực hiện).
Trong kinh doanh, thông tin thị trường và thông tin về đối thủ cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Sử dụng các công cụ phân tích và nghiên cứu thị trường sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định chính xác hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhân sự là con ông cháu cha, là những người có mối quan hệ có lợi cho công ty là việc nên làm cho dù những nhân sự đó về mặt năng lực chuyên môn còn yếu. Mục đích sử dụng họ để tận dụng các mối quan hệ của họ nhằm phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp (như việc sử dụng Vua Hán như một công cụ để điều khiển các Chư Hầu).
Hình tượng nhân vật Tào Tháo trong bộ phim truyền hình Tân Tam Quốc
Lưu Bị đã xây dựng lòng trung thành và sự đoàn kết trong đội ngũ của mình, tạo nên một lực lượng mạnh mẽ. Trong công cuộc khởi nghiệp của mình, Lưu Bị đã thành công trong việc xây dựng một đội ngũ tướng tá tài giỏi và trung thành như: Quan Văn Trường, Trương Phi, Triệu Tử Long, Mã Siêu, Hoàng Trung.
Với Quan Văn Trường và Trương Phi thì Lưu Bị kết nghĩa anh em tại vườn đào với tôn chỉ Không sinh cùng ngày nhưng chết cùng tháng cùng năm, sướng hay khổ cùng cam chịu cùng đồng hành. Hai viên đại tướng này là quan võ nên họ rất trọng tình nghĩa, vì vậy, Lưu Bị đánh vào yếu tố này để khiến họ trung thành với mình. Sau này, khi bại trận dưới tay Tào Tháo, Quan Văn Trường định tuẫn tiết vì chúa nhưng vì phải bảo vệ gia đình của Lưu Bị nên Quan Văn Trường buộc phải theo Tào Tháo. Tào Tháo dùng mọi cách từ tình cảm, đến vật chất cao sang nhưng cũng không thu phục được Quan Văn Trường.
Đối với Triệu Tử Long (hay còn gọi là Triệu Vân) – Một viên mãnh tướng địch muôn vạn người, Lưu Bị đã thu phục người này bằng cách chỉ nhận mỗi Triệu Vân mà không nhận hơn 500 quân mà Công Tôn Toản – Cấp trên của Triệu Vân – bàn giao cho. Trong trận chiến với quân của Tào Tháo (lúc này Gia Cát Lượng vẫn chưa đầu quâ n cho Lưu Bị) thì quân Lưu Bị bị đánh cho te tua, mỗi người mỗi ngả. Triệu Vân không quản gian nguy đã cứu A Đẩu – Con trai duy nhất của Lưu Bị – khỏi sự truy sát của Quân Tào Tháo. Trong suốt quá trình chạy trốn, Triệu Vân đã bao lần tưởng như mất mạng dưới tay Tào Tháo, Khi hội quân cùng lưu Bị, Lưu Bị đã không ngần ngại ném A Đẩu xuống đất và nói “Tẹo nữa ngươi làm ta mất một viên đại tướng trung thành, một người anh em trung nghĩa”. Chính điều đó đã khiến Triệu Vân càng kính nể và nguyện theo Lưu Bị cả đời.
Với Hoàng Trung thì Lưu Bị đánh vào lòng trung thành của Viên Hổ tướng già này. Với Mã Siêu, Lưu Bị đánh vào mối thù giết cha của Tào Tháo đối với Mã Siêu…Dựa vào những điểm đặc biệt của Nhân sự mà Lưu Bị đã thu phục được lòng người, được nhân tâm và có được những tướng tài theo mình suốt cả cuộc đời.
Bài học thực tế đối với doanh nghiệp, việc xây dựng văn hóa đội nhóm và khuyến khích lòng trung thành của nhân viên là điều cần thiết để đạt được hiệu quả công việc cao. Cần phải dựa vào những điểm mạnh, điểm yếu của nhân sự để đưa ra những chính sách, cách thức thu phục nhân tâm cho phù hợp để khiến nhân sự trung thành và theo suốt hành trình xây dựng và phát triển của công ty trên tinh thần cùng có lợi.
Gia Cát Lượng nổi tiếng với khả năng tiên đoán và chiến lược dài hạn. Điển hình trong trận chiến Xích Bích với Đại Quân của Tào Tháo, Gia Cát Lượng đã lên kế hoạch để sang thuyết phục Quân Ngô, sử dụng binh lực của Quân Ngô để chiến đấu với Quân Tào Tháo. Đồng thời ông cũng lên kế hoạch để đón lõng đội quân thất trận của Tào Tháo để tiêu diệt và thu chiến lợi Phẩm. Ông cũng bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện ý đồ của mình, đặc biệt là ý đồ tha chết cho Tào Tháo. Vì ông biết rằng, Quân Ngô cũng sẽ không giết Tào Tháo mà đẩy việc đó sang cho quân Thục – quân của Lưu Bị, vì vậy, Gia Cát Lượng đã cố tình bố trí Quan Văn Trường đón lõng quân Tào Tháo ở chặng đường cuối cùng, vì ông biết, trước đây Quan Văn Trường chịu ân của Tào Tháo nên sẽ tha chết cho Tào Tháo. Việc tiêu diệt Tào Tháo lúc bấy giờ dễ như đồ nằm trong tay, nhưng nếu thực hiện điều đó thì vô hình chung, Quân Thục sẽ trở thành đại thù của Quân Ngụy – quân của Táo Tháo ở Phương Bắc. Và khả năng nước Thục sẽ khốn đốn vì quân Ngụy ở Phương Bắc vẫn còn rất mạnh.
Bài học thực tế Trong quản trị, việc có tầm nhìn xa và lập kế hoạch dài hạn giúp chúng ta luôn nắm thế chủ động và chuẩn bị cho mọi tình huống.
Tôn Quyền thể hiện sự quả quyết trong việc đưa ra quyết định và dám nghĩ dám làm. Trong trận chiến tại Xích Bích với quân Tào Tháo, hầu hết các quan văn, và một số quan võ khuyên Tôn Quyền hàng Táo Tháo, nhưng Tôn Quyền nhất quyết không hàng mà chiến đấu tới cùng. Bằng tài mưu lược của mình, ông đã thuyết phục được toàn bộ quan văn, quan võ và dân chúng đồng lòng đánh quân Tào Tháo. Và kết quả là quân Tào Tháo thua thảm hại, từ một đội quân hơn rất nhiều cả về số lượng quân số, khí tài mà bị đánh cho thảm bại. Lúc Tào Tháo về tới doanh trại bên quân Ngụy – vùng đất của Tào Tháo thì chỉ còn lại vài viên tướng tá. Qua chiến công này, vị thế của Tôn Quyền và nước Ngô tăng lên rất nhiều.
Bài học thực tế trong marketing và kinh doanh, đôi khi chúng ta cần phải dũng cảm thử nghiệm những ý tưởng mới, dù có thể rủi ro, nhưng nếu thành công sẽ mang lại kết quả đột phá.
Hình tượng nhân vật Tôn Quyền trong bộ phim truyền hình Tân Tam Quốc
Liên minh Tôn-Lưu là một ví dụ điển hình về sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận. Trong trận chiến tại Xích Bích, nếu Tôn Quyền (Chủ soái của nước Ngô) và Lưu Bị (chủ soái của nước Thục) không liên minh với nhau thì nước Ngô và nước Thục đã bị Tào Tháo thôn tính từ lâu rồi. ở thời điểm này, cứ nước nào quân đội, kinh tế mạnh thì họ sẽ mang quân đánh nước yếu hơn. Chính vì sự tồn vong của đất nước mình, khi đội quân của Tào Tháo mạnh thì Tôn Quyền và Lưu Bị phải liên minh với nhau. Khi nước Thục mạnh thì Tôn Quyền và Tào Tháo phải liên minh với nhau.
Ở thời của Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền việc liên minh giữa hai nước để đối chọi với nước còn lại tạo thành thế chân vạc và như vậy cả 3 nước đều tồn tại. Nhưng đến đời hậu duệ sau này thì họ không thực hiện được điều đó và bị cha con nhà Tư Mã Ý (Lúc bấy giờ họ kế thừa và phế ngôi vưa của Nhà Ngụy – quốc gia do Tào Tháo có công xây dựng) thôn tính từng nước và đi đến thống nhất Trung Hoa.
Trong doanh nghiệp, sự phối hợp giữa các phòng ban và liên minh chiến lược với đối tác giúp tăng cường sức mạnh và hiệu quả công việc. Việc liên minh với các doanh nghiệp khác cùng tập khách hàng nhưng không phải là đối thủ của nhau cũng rất quan trọng, cùng hợp tác trên tinh thần win – win thì liên minh sẽ vững chắc và cùng phát triên.
Lưu Bị kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, xây dựng lực lượng từ từ và chỉ ra tay khi có lợi thế rõ ràng. Sau khi thắng Tào Tháo ở trận Xích Bích, nước Ngô trên cửa nước Thục, vì vậy, Lưu Bị phải sang Ngô để làm rể. Tại thời điểm này, nước Ngô hoàn toàn bị mất cảnh giác do nghĩ rằng Lưu Bị ở đây thì nước Thục sẽ suy yếu, nhưng đâu có ngờ, lúc bấy giờ Gia Cát Lượng đã âm thầm xây dựng được một đội quân ngày càng hùng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nên khi Lưu Bị trở về, Lưu Bị đã quyết định thôn tính các thành trì khác ở đất Thục để mở rộng đất đai và nhân sự, từ đó làm tiền đề tạo thế chân vạc với hai nước Ngô và Ngụy.
Trong kinh doanh, kiên nhẫn và chờ đợi thời điểm thích hợp để tung ra sản phẩm hoặc chiến dịch mới là yếu tố quyết định thành công.
Hình tượng nhân vật Lưu Bị trong bộ phim truyền hình Tân Tam Quốc
Quan Vũ là biểu tượng của lòng trung thành và đạo đức. Mặc dù được Tào Tháo trọng dụng, cho ngựa xích thố, cung cấp cao lương, mỹ vị, gái đẹp…nhưng vẫn không lung lay được ý trí của con người này. Tào Tháo không thể thuyết phục để Quan Vũ đầu quân cho mình. Và cuối cùng, khi có thông tin về Lưu Bị, Quan Vũ đã từ giã Tào Tháo để trở về với người Anh kết nghĩa của mình.
Giữ vững các giá trị cốt lõi giúp xây dựng lòng tin và sự kính trọng từ khách hàng và đối tác. Trong marketing, việc duy trì tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp giúp tạo dựng thương hiệu vững chắc.
Tào Tháo không ngừng học hỏi từ những thất bại và luôn tìm cách cải tiến chiến lược. Sau trận thua ở Xích Bích, quân của Tào Tháo tổn thương nguyên khí nghiêm trọng, lúc về tới đất Ngụy chỉ còn vài viên tướng tá. Ai nấy đều bị thương, chán nản và mất hết ý chí chiến đấu. Đến Tào Tháo là chủ soái cũng cảm thấy buồn và giảm đi ý chí muốn thống nhất đất nước. Nhưng là một viên chủ soái với tài thao lược, Tào Tháo biết rằng việc thống nhất đất nước lúc này là không thể vì quân Ngô và Thục đang rất mạnh, bên cạnh đó, họ lại đoàn kết. Muốn thống nhất đất nước phải tập trung vào đẩy mạnh xây dựng đất nước, phát triển kinh tế và xây dựng quân đội hùng mạnh. Song song với đó là phải tạo sự chia rẽ và tạo nên sóng gió nhằm làm đứt gẫy mối liên minh giữa Ngô và Thục. Chính tầm nhìn này, Trong khi Tào Tháo ẩn mình để xây dựng đất nước và quân đội thì Ngô và Thục nảy sinh mâu thuẫn đất đai và mang quân đánh chiếm lẫn nhau. Đến cuối đời Tào Tháo, ông vẫn chưa thực hiện được ý nguyện thống nhất đất nước của mình, tuy nhiên, di sản mà ông để lại đã giúp thế hệ cha con nhà Tư Mã Ý có cơ hội thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho đất nước, dân chúng có được cuộc sống yên ổn, hòa bình.
Bài học thực tiễn này nhắc nhở chúng ta rằng, thất bại là một phần của quá trình học hỏi và phát triển. Chúng ta cần phải biết nhìn nhận sai lầm, rút ra bài học và tiếp tục tiến lên.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” không chỉ là một tác phẩm văn học kinh điển mà còn chứa đựng nhiều bài học quý báu về quản trị. Những chiến lược và cách thức lãnh đạo của các nhân vật trong truyện có thể áp dụng vào thực tiễn kinh doanh ngày nay, giúp chúng ta trở nên linh hoạt, thông minh và hiệu quả hơn trong công việc. Hy vọng rằng những bài học này sẽ mang lại nhiều giá trị cho bạn trong hành trình quản trị và phát triển sự nghiệp.
Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục học hỏi, cải tiến và thành công, như những vị anh hùng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”.
Xem mô tả chi tiết tại đây: https://hoangquocuy.com/minh-la-uy/
Họ và tên của bạn*
E-mail*
Website
− = ba
Nội dung lời bình:*