Chúc mừng bạn đã vượt qua các ứng viên nặng “Đô” khác để trở thành một thành viên của công ty hiện tại. Tuy nhiên, sống và làm việc trong môi trường mới bạn cần phải thay đổi, điều chỉnh bản thân để phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp đó.
Dưới đây là những điều Uy muốn chia sẻ với bạn để bạn lưu ý và rèn luyện mình để bạn trở thành một thành viên “thân thiện, chuyên nghiệp và được yêu mến” trong tổ chức của bạn.
1. Tôn trọng cấp trên, khách hàng, đối tác và đồng nghiệp
Đây là đạo lý mà mọi nhân sự phải thực hiện. Trong mọi trường hợp, dù sếp bạn đúng hay sai bạn đều phải tôn trọng ý kiến của sếp bạn. Nếu ý kiến của sếp bạn chưa đúng, bạn hãy chọn đúng thời điểm và lựa lời để góp ý với sếp bạn về vấn đề mà sếp bạn đưa ra chưa hợp lý. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý trong lời ăn tiếng nói, và cùng phải xem tính cách của sếp bạn thế nào để bạn có cách hành xử cho hợp lý. Tránh việc nói xấu sếp bạn (kể cả trước mặt hay sau lưng), vì qua câu chuyện đó những người xung quanh bạn sẽ đánh giá không tốt về bạn. Và bạn sẽ nhận hậu quả như thế nào nếu như sếp bạn biết việc bạn nói xấu họ?
Trước khi thực thi bất cứ công việc gì quan trọng bạn cũng cần xin ý kiến chỉ đạo của sếp, ngay cả khi bạn muốn xin nghỉ phép, xin nghỉ vì việc riêng…bạn cần có văn bản gửi sếp, nếu sếp bạn đồng ý thì lúc đó bạn mới triển khai. Tuyệt đối không tự ý hành động, không được làm việc theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu” vì điều đó thể hiện bạn thiếu tôn trọng cấp trên, thể hiện bạn là một nhân sự không chuyên nghiệp, không nghiêm túc, hành động theo cảm tính…Trong trường hợp như vậy, bạn chắc chắn sẽ nhận được một hậu quả rất xấu.
Mọi nhân sự trong công ty bạn đều cần phải tỏ ra tôn trọng, thân mật cho dù nhân sự đó là cô lao công, bác bảo vệ…Mỗi người mỗi nhiệm vụ, đừng vì công việc bạn đảm nhiệm có tính quan trọng trong tổ chức, công việc đòi hỏi trình độ cao…mà bạn lấy đó để coi thường người khác. Sếp của bạn tuyệt đối “ghét cay, ghét đắng” loại người như thế. Do vậy, nếu bạn có tính cách đó, bạn cần phải chỉnh sửa.
Khách hàng, đối tác là những chủ thể quan trọng giúp doanh nghiệp bạn có doanh thu, giúp doanh nghiệp bạn tồn tại và phát triển. Chính vì vậy hãy cư xử đúng mực với họ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, chăm sóc họ theo đúng định hướng, chiến lược của doanh nghiệp bạn. Tránh cư xử lỗ mãng ngay cả khi khách hàng “chửi, mắng” bạn. Hãy luôn mỉm cười với họ.
2. Coi làm việc tại công ty như làm cho chính mình
Để thành công trong công việc và tương lai, trước bất kỳ công việc nào bạn cũng cần phải tâm niệm rằng “mình làm việc đó cho chính bản thân mình”, có như vậy bạn mới phát huy hết khả năng, sở trường của mình để hoàn thiện công việc một cách tối ưu.
Thực tế cho thấy, những nhân sự coi cống hiến hết mình để làm việc cho công ty thì công ty có lợi, còn mình thì chẳng có lợi. Do vậy họ sẽ không cố gắng hết mình cho công việc, họ sẽ làm việc nửa vời. Và đương nhiên họ sẽ không thành công.
Công ty trả thù lao cho bạn ứng với công sức lao động mà bạn bỏ ra. Bạn làm tốt bạn sẽ nhận được mức thù lao xứng đáng và bên cạnh đó bản lãnh của bạn sẽ vững vàng hơn nhiều, câu nói “vứt bạn đi đâu, bạn cũng sống ngon lành được” hoàn toàn đúng với những ai quan niệm “làm việc cho công ty như làm việc cho chính bản thân mình“.
3. Lập kế hoạch và báo cáo công việc hàng ngày
Bạn cần tạo thói quen làm việc như sau: Cuối mỗi ngày làm việc, bạn dành khoảng 15 đến 30 phút để báo cáo công việc đã làm trong ngày và lên kế hoạch công việc cho ngày hôm sau. Việc lập kế hoạch công việc cho ngày hôm sau sẽ giúp bạn có một lộ trình làm việc rõ ràng và ngày làm việc mới đến thì bạn chỉ việc cứ theo kế hoạch mà thực hiện, như vậy hiệu quả làm việc của bạn sẽ rất cao.
Trong báo cáo kết quả công việc hàng ngày hoặc trong các báo cáo gửi sếp, bạn cần lưu ý các điểm sau:
+ Kết quả hoàn thành công việc trong ngày (Có dẫn chứng kèm theo để sếp bạn theo dõi và ghi nhận những cố gắng của bạn, nếu không có điều này thì báo cáo của bạn không có giá trị);
+ Những công việc chưa hoàn thành? Lý do chưa hoàn thành? Giải pháp để hoàn thành? Sẽ hoàn thành khi nào?
Với các báo cáo dạng khác, bạn cần trình bày các nội dung sau:
+ Nêu nội dung báo cáo;
+ Đưa ra chi tiết các giải pháp để thực hiện;
+ Trong số các giải pháp đó, bạn đề xuất với sếp thực hiện giải pháp nào? Tại sao lại chọn giải pháp đó?
4. Luôn thân thiện với mọi nhân sự trong công ty
Bạn sẽ được mọi người trong công ty đánh giá cao, nếu như gặp bất kỳ ai trong công ty (cho dù người đó bạn không biết hoặc bạn đang có thành kiến với họ) bạn cũng nở nụ cười thân thiện và chào hỏi họ. “Lời nói không mất tiền mua” vì vậy đừng có kiệm lời. Vào đến phòng ban của mình phải chào hỏi mọi người, tránh kiểu “lừ lừ như ông từ vào đền” khiến mọi người ghét và cô lập bạn.
5. Hoàn thành công việc đúng deadline
Khi cấp trên giao việc cho bạn và yêu cầu bạn phải hoàn thành vào một ngày quy ước nào đó. Bạn cần cố gắng tìm mọi cách để hoàn thiện đúng deadline. Nếu chưa hoàn thiện kịp thời bạn cần đưa ra lý do chính đáng và xin gia hạn. Tránh trường hợp vừa nhận việc đã kêu ca “ít thời gian thế em làm sao làm được” hay ” Công việc này khó quá em không làm được đâu”; “Anh ơi việc này làm như thế nào nhỉ?” hoặc không làm kịp deadline thì đổ lỗi do các yếu tố “phi lý” gây ra…Vì qua đó, bạn đã chứng tỏ mình là người có năng lực kém, thiếu chuyên nghiệp => như vậy bạn sẽ sớm bị loại trừ ra khỏi tổ chức mà thôi.
5. Chỉ hỏi sếp sau khi bạn đã tìm mọi cách mà chưa thể giải quyết được
Khi được phân công một công việc nào đó, bạn cần tìm mọi cách để làm sáng tỏ vấn đề, để hoàn thành công việc. Chỉ khi nào bạn vận dụng mọi cách mà không tìm được phương án khả thi để giải quyết công việc lúc đó bạn mới xin ý kiến trợ giúp của sếp. Đừng để cấp trên đánh giá năng lực của bạn yếu, kém khi mới nhận việc đã hỏi lung tung mà chưa suy nghĩ, tìm tòi cách giải quyết…
6. Tuân thủ nghiêm chỉnh nội quy, quy định của công ty
Cần thực hiện nghiêm túc các quy định mà công ty đưa ra. Tránh đi muộn, về sớm với những lý do “trên trời”. Vì điều đó ảnh hưởng đến độ chuyên nghiệp của bạn, ảnh hưởng xấu đến tương lai của bạn.
7. Tham gia các hoạt động phong trào của công ty
Các hoạt động phong trào (dù là ngoài giờ hay trong giờ làm việc) của công ty là nơi lý tưởng để bạn thể hiện mình, hãy cho sếp và đồng nghiệp của bạn thấy sự thân thiện, sự nhiệt tình trong công việc, trong các mối quan hệ ở công ty bạn. Bạn sẽ được mọi người đánh giá cao và điều đó rất có lợi cho con đường thăng tiến của bạn.
8. Đề xuất các giải pháp để cái tiến hiệu suất công việc
Sếp bạn sẽ nhìn nhận mọi cố gắng đóng góp tích cực của bạn trong công việc để nâng cao hiệu suất công việc của các nhân sự, phòng ban trong công ty. Và đương nhiên, con đường thăng tiến sẽ rộng mở đối với bạn.
9. Luôn khiêm tốn
Trong công việc, khi cấp trên hoặc đồng nghiệp có lời góp ý, chia sẻ với bạn. Hãy chú ý lắng nghe, đừng tỏ ra mình là người thông thái, biết hết mọi thứ đại loại như “em biết rồi; thế cơ á…”. Nếu bạn không khiêm tốn thì lần sau bạn đừng mong họ chia sẻ, góp ý, training cho bạn nhé. Thậm chí họ còn ghét bạn đấy.
Trên đây là những vấn đề mà Uy muốn chia sẻ với bạn, hãy áp dụng chúng vào công việc thực tế của bạn để con đường tương lai tươi sáng luôn rộng mở đối với bạn.
Xem mô tả chi tiết tại đây: https://hoangquocuy.com/minh-la-uy/
Cảm ơn Uy đã chia sẻ những ý kiến rất hay. Mình coi đây là những thông tin quý giá để chia sẻ với các nhân viên bên mình. Cảm ơn Uy rât nhiều.
Cảm ơn anh! Bài viết rất hay và có ý nghĩa, em đã lượm nhặt được một vài điều mình cần thay đổi để có được kết quả làm việc tốt hơn. Thanks anh! =D
những kinh nghiệm rất bổ ích dành cho mọi người , ở mọi lĩnh vực, cảm ơn bạn đã chia sẻ.(y)
Bài viết này rất tuyệt, cảm ơn anh. Em đã đọc đi đọc lại bài viết này 5 lần. Cố gắng đọc thêm vài lần nữa cho nhớ :). Cảm ơn anh nhiều.
Họ và tên của bạn*
E-mail*
Website
− = ba
Nội dung lời bình:*