Làm sếp ai chẳng muốn, tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành Sếp được cho dù bạn có thật nhiều tiền bạc, sức mạnh. Người làm Sếp phải có tố chất lãnh đạo, phải có bản lĩnh. Vậy thì bản lãnh người làm Sếp cần phải có là gì? Để trả lời câu hỏi này, Uy xin liệt kê một số những tố chất quan trọng mà người làm Sếp cần phải có, cụ thể như sau:
1. Tham vọng
Khi bạn muốn đạt được điều gì đó, bạn phải thực sự cố gắng và dành tâm huyết cho nó. Để trở thành sếp cũng vậy, một trong những tố chất quan trọng là chính trong con người bạn phải luôn có tham vọng, hy vọng trở thành lãnh đạo.
Khi đã có khát khao, bạn còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức để thể hiện năng lực và đạt được mục tiêu đề ra. Đó là cuộc chạy đua đường trường không ai có thể nói trước một cách chính xác mất bao lâu để thành công. Một tháng, hai tháng hay một năm, hai năm, thậm chí lâu hơn thế. Tuy nhiên, điều quan trọng mà bạn nên biết rằng, sự bền bỉ, quyết tâm, kiên nhẫn và không bao giờ ngừng tham vọng là yếu tố không thể thiếu giúp bạn đi đến thành công.
2. Biết hy sinh
Ở vào vị trí lãnh đạo, đương nhiên, bạn thường xuyên bận rộn, căng thẳng, thậm chí nhiều khi stress, không còn có thời gian thư giãn. Thậm chí, nhiều khi bạn còn phải giải quyết vô số những vấn đề phức tạp, khiến bạn điên đầu. Lúc đó, đừng tỏ ra bực bội, chán nản hay quát mắng đồng nghiệp vô cớ, ngược lại, hãy biết hy sinh và chịu khó vất vả bởi đó là điều cần thiết giúp bạn đứng vững ở vị trí lãnh đạo.
Không ít người đứng ở vị trí lãnh đạo luôn tự cho mình cái quyền được hưởng lợi nhiều hơn là cống hiến. Nhưng thực tế, chính những người biết hy sinh, biết vì mọi người mới có thể đứng vững ở vị trí lãnh đạo với sự tin cẩn, yêu mến của mọi người.
3. Thấu hiểu nhân viên
Đương nhiên, người làm sếp có thể cho mình cái quyền quát mắng, ra lệnh cho nhân viên, có thể đặt mình ở vị trí bề trên và muốn mọi người phải phục tùng. Thậm chí không ít vị sếp còn mắng té tát nhân viên chỉ vì những lỗi nhỏ nhặt và họ cho rằng, làm thế là để thị uy, để các nhân viên biết cái uy của sếp. Tuy nhiên, muốn trở thành nhà quản lý giỏi, thu phục nhân tâm, bạn cần phải hiểu nhân viên của mình chứ không phải lúc nào cũng chỉ biết thét ra lửa.
Bạn cần phải biết lắng nghe và chia sẻ với cấp dưới để có thể đồng cảm với họ. Khi có vấn đề rắc rối, phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể để từ đó có hướng giải quyết hợp tình hợp lý.
4. Tinh thần trách nhiệm cao
Dù là sếp, bạn cũng đừng bao giờ cho mình quyền được quát mắng hay đổ lỗi những thất bại cho nhân viên. Đừng bao giờ đẩy tội cho người khác, bắt người khác phải gánh trách nhiệm thay mình, bởi như thế, bạn không thể đứng vững ở vai trò làm sếp được.
Là người lãnh đạo, nên nhớ rằng, để được nhân viên tôn trọng, tin yêu và nể phục thực sự không hề dễ dàng. Người ta luôn cần những vị sếp công minh, có tinh thần trách nhiệm cao và sẵn sàng chịu trách nhiệm khi mắc lỗi. Không nên nghĩ rằng, là sếp thì không bao giờ sai.
Hãy thể hiện bạn là một vị sếp có tinh thần trách nhiệm cao và biết mình biết người, có như thế, mới có thể “trăm trận trăm thắng”.
5. Biết phân quyền
Là Sếp bạn cần phải biết phân quyền cho cấp dưới, đừng cố làm mọi công việc. Hãy để cho nhân viên của bạn làm những công việc phù hợp với năng lực, trình độ của họ. Nếu bạn cứ tập trung vào làm mọi việc thì công ty bạn sẽ chẳng bao giờ tiến lên được. Vì vậy hãy tin tưởng và giao nhiệm vụ cho cấp dưới theo đúng chức trách, đúng sở trường và năng lực của họ. Công việc của bạn là đề ra các chiến lược, đi quan hệ, đi tìm các khách hàng lớn…để giúp công ty ngày càng phát triển.
6. Kiên nhẫn
Khi bạn muốn đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống, bạn cần phải có sự kiên nhẫn để giải quyết mọi vấn đề. Có thể công việc không được như bạn mong đợi nhưng bạn lại nhận được một bài học từ đó. Lãnh đạo giỏi luôn là người có sự nhẫn nại và lòng kiên trì.
7. Tự tin
Nếu thiếu tự tin khi giao tiếp hay làm bất kể việc gì, bạn khó có thể trở thành lãnh đạo. Nếu bạn là một người lãnh đạo trong công ty, tự tin cũng là tính cách cần thiết để cấp dưới tôn trọng và lắng nghe bạn.
8. Khiêm tốn
Thái độ kiêu ngạo và coi thường người khác sẽ khiến bạn không làm được việc gì. Ngược lại, với bản chất khiêm tốn và quan tâm mọi người sẽ giúp bạn nhận được sự tôn trọng của nhân viên.
9. Khơi nguồn cảm hứng
Là Sếp bạn phải là người biết truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Hãy giúp nhân viên của bạn luôn luôn ghi nhớ những ưu điểm mà họ có để đạt được thành công trong sự nghiệp. Mọi công việc mà bạn đang làm, cách cư xử với nhân viên và cách tiếp cận công việc của bạn nên tạo cảm hứng cho các nhân viên trong công ty.
10. Chăm chỉ
Để trở thành Sếp, bất cứ ai cũng phải trải qua thời kỳ làm việc chăm chỉ và siêng năng. Sự nhẫn tâm và lười biếng không có chỗ trong từ điển của người làm Sếp.
11. Đào tạo & chia sẻ
Hãy chia sẻ và đào tạo hết mình cho nhân viên của bạn để họ có thể làm công việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Đào tạo, chia sẻ cũng phải đúng cách, đừng bao giờ trả lời, hướng dẫn nhân viên ngay khi mà họ chưa động não hay sử dụng mọi giải pháp để giải quyết vấn đề trong công việc của họ. Hãy tạo cho họ thói quen làm việc độc lập, tự chủ bằng cách tự tìm lời giải cho bài toán công việc thông qua các mối quan hệ, các điều kiện hiện có. Bạn chỉ đào tạo, hỗ trợ họ khi họ đã sử dụng mọi biện pháp mà chưa giải quyết vấn đề. Phương pháp đào tạo, hỗ trợ ở đây nên là gợi mở, dẫn dắt vấn đề để họ tự tìm lời giải. Có làm như vậy nhân viên của bạn mới sớm trưởng thành một cách vững vàng và bạn sẽ bớt mệt hơn ở những công việc tương tự sau này.
Trong quá trình đào tạo, hãy giúp nhân viên hiểu rằng “Hãy làm việc mà bạn được công ty phân công như làm việc cho chính bạn“, bởi vì có như vậy công ty mới có doanh thu, mới có tiền để trả lương cho nhân viên của bạn và có như vậy, nhân viên của bạn mới dễ gặt hái thành công. Đây là điều rất quan trọng mà một người làm Sếp cần phải làm, vì thực tế, nhân viên làm việc chưa hết sức mình do họ nghĩ rằng làm việc chăm chỉ, hết sức mình thì chỉ có công ty có lợi, còn họ thì bị thiệt thòi. Do vậy, người làm sếp luôn phải quán triệt tư tưởng trên tới mọi nhân viên dưới quyền, có như vậy công ty và nhân viên của bạn mới phát triển theo chiều hướng tích cực.
Trên đây là những tố chất quan trọng mà người làm Sếp cần phải có, nếu bạn muốn làm sếp thì hãy xem xét lại bản thân, cố gắng rèn luyện những điểm mà mình còn yếu, còn chưa hoàn thiện để có thể trở thành một người lãnh đạo thành công.
Xem mô tả chi tiết tại đây: https://hoangquocuy.com/minh-la-uy/
Họ và tên của bạn*
E-mail*
Website
× = eighty one
Nội dung lời bình:*